Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Người mê sưu tập Phim

Go down

Người mê sưu tập Phim Empty Người mê sưu tập Phim

Bài gửi  rore Sat Mar 21, 2009 7:57 am

Người mê sưu tập Phim 4_nhavan98

Kho phim của Lưu Nghiệp Quỳnh đến nay đã có hơn 12 nghìn bộ phim truyện của hầu hết các nền điện ảnh khắp các châu lục trên thế giới. Đặc biệt, các bộ phim tiêu biểu của các nhà điện ảnh bậc thầy xưa nay từ Sácli Saplin, Uâylơ, Giônphobécman Mikhaiin Rôna… cho đến các đạo diễn tài năng thuộc thế hệ gần đây như: Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, KimKiĐuk, v.v… Tất cả đều được anh sưu tầm, phân loại và lưu giữ trong kho phim của mình.
Giới văn học nghệ thuật Việt Nam lần đầu biết đến Lưu Nghiệp Quỳnh khi anh đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ (1974) với truyện "Tốc độ". Từ cái mốc đầu tiên ấy, anh đã theo học Trường Bồi dưỡng nhà văn trẻ của Hội Nhà văn, khóa 1974-1975. Rồi không biết do thiên duyên kỳ ngộ hay do lòng say mê điện ảnh mà anh đã về công tác tại Hãng Phim truyện Việt Nam và trở thành nhà văn, nhà biên kịch, nhà sưu tầm phim Lưu Nghiệp Quỳnh hôm nay.
Hơn một năm trước, "Điện ảnh chiều thứ bảy" (Cục Điện ảnh) có làm bộ phim chân dung về nhà biên kịch, nhà sưu tầm phim Lưu Nghiệp Quỳnh với tên: "Người góp công nối nhịp cầu cho điện ảnh thế giới đến với Việt Nam".
Khi thực hiện bộ phim, anh Quỳnh chỉ có một yêu cầu là cái gì thuộc về cá nhân anh, về cái "riêng" thì không nên đưa vào phim để tránh mọi sự hiểu lầm. Nhưng rồi, trong quá trình thực hiện bộ phim, một chi tiết mà chúng tôi nghĩ chẳng ai để ý làm gì, đó là địa chỉ nhà riêng của anh, vẫn có trong phim.
Một vài tháng sau, khi bộ phim đã phát sóng trên VTV3, được tặng giải Bạc trong Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc lần thứ 27 tại Hải Phòng, gặp nhau trong cuộc họp cộng tác viên để "Điện ảnh chiều thứ Bảy" trao giải cho các tác giả, Lưu Nghiệp Quỳnh hồ hởi "trách":
- Ô! Nghe nói phim của ta được giải Bạc, sao anh chẳng báo cho tôi?
Tôi cười xòa nhận lỗi. Anh Quỳnh tiếp:
- Sau khi phim phát sóng, có bao nhiêu "sự cố bất ngờ" xảy ra với tôi! Họp xong, mời anh về nhà, ta tiếp câu chuyện.
Tôi chưa kịp hỏi thêm anh điều gì thì cuộc họp đã bắt đầu. Vậy là tôi cứ thấp thỏm mong cho cuộc họp chóng kết thúc để được nghe xem đó là những "sự cố" gì. Không thể nào yên tâm được, tôi cứ lục vấn mình, tự "rà soát lại" xem có sơ suất gì để tạo nên những "sự cố" sau phim không?
Dăm năm qua, chúng tôi đã làm nhiều phim chân dung về các nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam như: Hải Ninh, Bạch Diệp, Vũ Phạm Từ, Trịnh Thịnh, Ma Cường, Hồ Quảng, Mai Long v.v… Cũng may chưa có phim nào để lại sự cố. Phần vì các nghệ sĩ cũng hết lòng cộng tác, phần khác - lãnh đạo Cục Điện ảnh ủng hộ, giám sát sít sao và tôi cũng có nhiều năm làm công tác quản lý sáng tác ở Cục nên có tư liệu, hiểu được thân thế, sức sáng tạo và sự cống hiến của các nghệ sĩ. Nhưng đến phim này thì…
Tan cuộc họp, tôi theo Lưu Nghiệp Quỳnh về nhà. Vừa ngồi vào bàn nước, Quỳnh vui vẻ:
- Tôi nói có sai đâu, chỉ vì các ông đưa địa chỉ nhà riêng của tôi trên phim mà…
Rồi anh kể:
- Bộ phim vừa phát sóng được vài hôm thì một buổi sáng, chuông reo ngoài cửa. Như thường lệ, người nhà tôi xuống mở cửa, mời khách vào nhà, pha trà, mời nước… Ít phút sau, bước xuống cầu thang, thoáng nhìn "ông khách" còn quá trẻ, lạ hoắc, tôi rất ngạc nhiên. Chưa kịp nói gì thì "khách" đã vội vàng đứng dậy, nói giọng lễ phép, nghiêm trang:
- Cháu chào bác ạ!
Rồi khách tỏ ra đĩnh đạc:
- Cháu… Cháu là sinh viên Trường Điện ảnh - Hình như xúc động, cậu ta ngừng lại một giây rồi tiếp:
- Cháu được Cục trưởng Cục Điện ảnh giới thiệu đến gặp bác!
Tôi giật mình, tròn xoe mắt nhìn cậu ta từ đầu đến chân:
- Thế à? Có việc gì mà to tát thế hả cháu?
Khách vẫn rất thản nhiên:
- Cháu đến để nhờ bác giúp đỡ về điện ảnh.
- Thế Cục trưởng có giấy tờ gì giới thiệu cháu đến gặp bác không?
Khách cười xí xóa:
- Dạ thưa Cục trưởng với bác có xa lạ gì mà phải giấy tờ…
Lát sau, chắc khách đoán được tôi đã phát hiện cậu đang nói dối, nên vò đầu vò tai tự thú:
- Thú thật, chỉ vì hâm mộ bác, chỉ vì yêu điện ảnh mà cháu đã phải nói dối bác.
Ít hôm sau, cũng vào một buổi sáng, tôi đang ngồi với anh Quỳnh, chuông cửa reo. Anh Quỳnh bước ra. Một người đàn ông chạc tuổi ngoài 50, bắt tay thổ lộ:
- Tôi vừa xem bộ phim nói về anh nên phải đến chúc mừng. Vì bây giờ vẫn có một vài kẻ tham nhũng bạc tỉ của dân, còn anh trái lại, bỏ ra đến bạc tỉ để mua hàng vạn bộ phim nước ngoài về cho Việt Nam, thật đáng quý!
Cuộc trò chuyện giữa chủ và khách xoay quanh chủ đề nhà văn bỏ tiền túi để làm giàu cho kho tư liệu phim phục vụ nền điện ảnh của đất nước.
Khách ra về, tôi bảo Quỳnh:
- Chắc những bất ngờ tương tự sẽ không chỉ dừng lại ở đây. Anh sẽ còn phải tiếp thêm nhiều vị khách hâm mộ nữa đấy.
Lưu Nghiệp Quỳnh như sực nhớ ra:
- Trường đại học Văn hóa Hồng Đức của Thanh Hóa cũng vừa điện cho tôi và đã ra gặp lãnh đạo Cục Điện ảnh mời tôi vào giúp trường một thời gian về điện ảnh.
Tôi cười, bảo Quỳnh:
- Như vậy, anh đã là người nổi tiếng! Anh nghĩ gì khi hàng vạn bộ phim nước ngoài do anh sưu tầm đã là một nhịp cầu quan trọng để khán giả điện ảnh Việt Nam đến với điện ảnh thế giới?
Lưu Nghiệp Quỳnh im lặng một hồi lâu, rồi bày tỏ:
- Thú thực, tôi chỉ muốn mỗi người làm điện ảnh Việt Nam, yêu mến điện ảnh Việt Nam cần biết và nên biết điện ảnh thế giới hiện nay đang làm gì? Để từ đó mà làm mọi việc cần thiết cho sự phát triển của nền điện ảnh dân tộc.
- Anh có nghĩ rằng, những phim được giải cao ở các Liên hoan phim Quốc tế và các phim được nước ngoài đánh giá là hay sẽ được khán giả Việt Nam cho là hay cả không?
- Chân giá trị nghệ thuật của tác phẩm chỉ là một, còn người thưởng thức có trăm nghìn sự đánh giá khác nhau, tùy theo trình độ hiểu biết và cả nhiều yếu tố văn hóa xã hội khác nữa. Muốn hiểu được thấu đáo một bộ phim nước ngoài, cần phải xem bằng ngôn ngữ của chính nước đó. Ít có bản dịch phụ đề chuyển tải được bản sắc ngôn ngữ, cội nguồn văn hóa dân tộc và nội dung "ý tại ngôn ngoại" của một bộ phim nước ngoài. Ấy là chưa kể đến những phim "hàng chợ" bán ở các cửa hàng băng đĩa, đôi khi làm người xem hiểu sai về nội dung phim.
Hiện tại, Lưu Nghiệp Quỳnh đã có 4 tập truyện ngắn, ba tập tiểu thuyết được xuất bản. Song song với những tác phẩm văn học, anh còn là tác giả kịch bản của một số phim truyện nhựa như: "Hoàng hôn nhiệt đới", "Đoá hồng cho em", "Ảo ảnh tình yêu", "Vết trói", "Làng Rừng" và gần đây nhất là phim "Hàng xóm". Riêng "Ảo ảnh tình yêu" anh vừa là tác giả kịch bản, vừa là đạo diễn.
Nhưng có một phần công việc nhiều năm qua anh đã âm thầm, bền bỉ bỏ ra nhiều trí tuệ, thời gian, công sức để lo toan mà mãi gần đây mới nhiều người biết đến. Đó là việc sưu tầm phim.
Kho phim của Lưu Nghiệp Quỳnh đến nay đã có hơn 12 nghìn bộ phim truyện của hầu hết các nền điện ảnh khắp các châu lục trên thế giới. Đặc biệt, các bộ phim tiêu biểu của các nhà điện ảnh bậc thầy xưa nay từ Sácli Saplin, Uâylơ, Giônphobécman Mikhaiin Rôna, Đốpgienkô, Âygienxtanh, Bônđatrúc, Phơrăng Xýchpho Côpôla… cho đến các đạo diễn tài năng thuộc thế hệ gần đây như: Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, KimKiĐuk, v.v… Tất cả đều được anh sưu tầm, phân loại và lưu giữ trong kho phim của mình.
Nhà biên kịch Bành Mai Phương, Trưởng phòng Kịch bản Hãng Phim truyện Việt Nam, khi được chúng tôi hỏi về công việc sưu tầm phim của Lưu Nghiệp Quỳnh, chẳng cần phải đắn đo suy nghĩ, chị nói luôn:
- Việc sưu tầm phim của anh Quỳnh như một chuyện lạ Việt Nam. Tôi chỉ là người giúp anh đánh máy danh mục các phim mà cũng đã thấy quá mệt. Còn anh thì phải xem các phim ấy bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, sắp đặt theo các chuyên đề học tập cho anh em Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam và nhiều anh em trong hãng, trong ngành. Chúng tôi cứ nói đùa với nhau rằng: Anh Quỳnh xứng đáng là nhân vật được ghi vào Guinét của ngành điện ảnh Việt Nam.
Việc sưu tầm hàng vạn bộ phim nước ngoài của anh Quỳnh đã thật đáng quý. Nhưng cái đáng quý hơn là anh đã biến những tư liệu vô giá ấy thành chương trình học tập, nghiên cứu cho tất cả Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam, trong các chương trình học tập thường kỳ, cho các lớp tập huấn nghiệp vụ của ngành, cho khán giả yêu thích điện ảnh. PGS.TS Trần Luân Kim, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, đã nhận xét:
- Nhiều năm qua, trong công việc học tập nâng cao trình độ nghề nghiệp cho Hội viên của Hội Điện ảnh Việt Nam đã có sự đóng góp công sức vô tư và rất có hiệu quả của nhà văn, nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh. Anh rất giỏi ngoại ngữ và đặc biệt có một trí nhớ thật ưu việt, nhờ đó anh giảng giải và giúp đỡ người xem phim hiểu được sâu sắc hơn nội dung và nghệ thuật phim. Có thể nói rằng, cho đến nay kho phim của Lưu Nghiệp Quỳnh là một Viện phim tư nhân lớn nhất của Việt Nam…”

(Theo CAND.COM..ngày 06/03/2009)


rore

Tổng số bài gửi : 4
Registration date : 01/03/2009

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết